Bạn có thực sự cần được chữa lành không?

Mình thấy hầu hết mọi người tìm đến chữa lành khi họ gặp trục trặc với những buồn tủi, tức giận hay bất lực. Ai cũng nói rằng mình có những vết thương lòng khó phai và điều này cản trở mỗi người trên hành trình sống cuộc đời hạnh phúc. Hiển nhiên, ai cũng mong sẽ nhanh chóng vượt qua.

Hiện nay, có rất nhiều cách thức, khóa học và nhiều phương tiện khác giúp mọi người chữa lành. Người thì về lại thiên nhiên, người thì nói phải ở một mình khi không ổn, người thì khuyến khích hãy đi du lịch, người thì nói nên làm điều mình thích, người thì đưa ra những lý lẽ vì sao bạn trải qua, người thì hướng dẫn quay về đứa trẻ bên trong,… Không có phương pháp nào đúng hay sai hết, mỗi người sẽ có lựa chọn thích hợp. Tuy nhiên có một điểm chung của mọi người chính là cái hy vọng mong vết thương trong lòng sẽ lành, rồi mình sẽ ổn và sẽ vui hơn. Nhưng bạn có chắc là mình sẽ ổn hơn không?

Ngày xưa mình hay khuyên và được khuyên rằng: “Thôi cố gắng lên, mọi thứ sẽ ổn thôi mà.” Sau khi trải qua bao lần lên xuống thì mình dần chấp nhận rằng cuộc sống sẽ không bao giờ ổn. Mọi thứ đi lên rồi đi xuống như một đồ thị hình sin. Có thể sẽ có ngày mình sẽ ổn nhưng đó cũng là ngày mình sắp không ổn và thế là chúng ra rơi vào trạng thái vết thương cũ chưa lành lại đến những vết thương mới. Vậy thì sau cùng thì hành trình chữa lành sẽ dẫn chúng mình đến đâu ?

Mình cũng từng trải qua rất nhiều phương pháp để chữa lành và một ngày mình nhận ra bản thân mình cũng đâu có tệ đến mức mà suốt ngày phải đè ra để sửa này chữa kia. Với những trải nghiệm đã qua thì khi va chạm trong cuộc sống, phản ứng của chúng mình là điều dễ hiểu: gặp chuyện không như ý sẽ khó chịu, gặp chuyện buồn thì dễ khóc, gặp thất bại thì nản lòng. Cho dù hành động của bạn có đáng xấu hổ đến thế nào thì ai trải qua cuộc đời như bạn cũng sẽ phản ứng thế thôi. Tâm hồn chúng mình xấu xí chỉ khi so với những kỳ vọng, chuẩn mực của xã hội, của những người xung quanh và so với những phán xét của chính bản thân mình. Sau cùng, cái thứ mỗi người cần làm không hẳn là chữa lành mà là việc chấp nhận bản thân một cách vô điều kiện dù là ở trong trạng thái nào đi chăng nữa: Vui vẻ – buồn bã, Hy vọng – Tuyệt vọng, Hạnh phúc – Khổ đau, Dịu dàng – Tức giận, Năng nổ – chây lỳ, Hưng cảm – trẩm cảm, Im lặng – Gào thét … Tất cả những trạng thái đó đều bình thường và không nên được tung hô hay chỉ trích. Những điều gọi là tổn thương lại là cách bạn được dẫn dắt để thấy được chân ngã của chính mình.

Cuộc sống vốn dĩ không diễn ra theo cách bạn mong muốn mà theo cái cách để bạn nhìn ra sự thật bên trong mình. Mọi điều sắp đặt cũng chỉ để hỏi mỗi người: “Rốt cuộc, bạn đã thấy ra chưa?” Cũng có thời gian mình chán ghét cuộc sống lắm, ghét đến mức không muốn tiếp tục hay làm gì hết. Nhưng rồi ngẫm lại, mọi thứ lên xuống cũng có cái hay vì nó chứa những bất ngờ chẳng ai biết được. Nó là món quà hay trừng phạt thì phải tùy cảm nhận mỗi người. Mình không hoàn toàn phủ nhận giá trị chữa lành nhưng có bao giờ bạn nghĩ chính cái suy nghĩ mình có vết thương, mình cần được chữa lành đang níu chân không để bạn đón nhận những điều tuyệt đẹp của cuộc sống này không?

Vậy thì mình sẽ thay đổi câu hỏi ở đầu bài một chút: Nếu như loại bỏ hết những chuẩn mực và kỳ vọng, tất cả trải nghiệm về cảm xúc và phản ứng đều là bình thường, vậy thì bạn còn thấy đó là tổn thương và liệu bạn có còn muốn chữa lành hay không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *