Kinh nghiệm chọn trung tâm tư vấn du học

Thiệt tình, mình đã luôn muốn viết bài này khi mình sang Bỉ. Với cái tính trì hoãn của mình thì sau 2 năm thì mình mới lọc cọc ngồi viết. Với trải nghiệm của mình và nhiều đứa bạn từng đi du học qua trung tâm tư vấn thì tụi mình hầu như không có ấn tượng tốt đẹp lắm với các trung tâm. Vì vậy, tụi mình luôn khuyên mọi người là nếu được thì tự lo hồ sơ cho đỡ rước bực dọc vào thân vì trung tâm nào lúc tư vấn cũng hứa hẹn rất nhiều, đến khi ký hợp đồng xong thì rất là ba chấm. Đương nhiên, trung tâm tư vấn du học cũng có những ưu điểm của nó. Tụi mình những đứa đã đi làm khi tìm đến trung tâm là để tiết kiệm thời gian và có cơ hội tiếp cận với thông tin trường phù hợp với hồ sơ nhưng xui cái là trong qua trình làm việc với nhau 2 bên có nhiều điểm khúc mắc. Dưới đây là những kinh nghiệm xương máu của mình dành cho các bạn đang có ước mơ hoặc đang chuẩn bị đi du học mà vẫn đang cân nhắc nên đi theo trung tâm tư vấn du học nào. Mình biết khi viết bài này sẽ đụng chạm nhiều người nhưng mà sau cùng thì một gói tư vấn du học không rẻ nên kỳ vọng của chúng mình khi chọn dịch vụ sẽ cao. Mình biết không phải trung tâm nào cũng muốn lừa đảo và mình hiểu khối lượng công việc của các bạn làm trung tâm cũng không ít. Tuy nhiên, làm việc nhiều với làm việc có thể đáp ứng nhu khách hàng là hai phạm trù không giống nhau. Chửa kể ở vai trò khách hàng bỏ ra cục tiền thuê trung tâm tư vấn du học thì ai cũng xứng đáng có sự lựa chọn tốt nhất mà 😀

1. Hãy trang bị kiến thức về du học

Sai lầm lớn nhất của mình là phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm về thông tin hồ sơ chuẩn bị du học. Lúc đó mình lấy lý do là 1 lần làm 3,4 job thì không có thời gian và mình đã bỏ tiền ra thì trung tâm có nhiệm vụ phải cung cấp cho mình. Nhưng cuộc đời không hề theo lý tưởng đó, sau cùng bạn vẫn nên có những thông tin cơ bản vì tri thức chính là sức mạnh. Những thông tin bạn nên tìm hiểu là danh sách hồ sơ du học, các bước cần chuẩn bị để đi du học, tổng quan về một số quốc gia và vùng mà bạn quan tâm, các loại chi phí khi đi du học. Ít nhất, cũng phải nắm rõ nhu cầu của bản thân: mục đích chính du học là gì, có quan tâm ranking trường hay không, tài chính bạn có bao nhiêu, có muốn xin học bổng hay không, hồ sơ học vấn bạn thế nào? Nắm rõ cái này để đi nói chuyện với trung tâm, gặp bên nào tư vấn vô lý thì bỏ luôn cho đỡ bớt thời gian. Quan trọng nhất là bạn hiểu rõ bạn cần trung tâm làm gì cho bạn ví dụ như: xây dựng và thiết kế lộ trình, lựa chọn trường phù hợp (cái này quan trọng nhất), làm thủ tục visa (nên hỏi rõ trung tâm có đứng ra làm hay chỉ hỗ trợ), hỗ trợ đầu ngoại (tìm nhà, lo các thủ tục nhập học, làm thủ tục tạm trú,..). Này là để bạn trao đổi rõ với trung tâm và tránh trường hợp nhu cầu bạn thì ít mà trung tâm lại đính hướng đi gói cao.

2. Hãy luôn giữ một thái độ hoài nghi với các lựa chọn

Mình có một người bạn làm audit nói rằng khi bạn ấy kiểm tra data thì trong đầu luôn có suy nghĩ data này sai ở đâu, chắc chắn data này có vấn đề và nhiệm vụ của bạn là đi tìm vấn đề đó. Thì khi tham khảo các trung tâm du học hoặc nghe ai giới thiệu, hãy luôn nghi ngờ chất lượng trung tâm và hãy luôn đặt câu hỏi vì sao bạn không nên chọn trung tâm này, trung tâm này có vấn đề gì. Sản phẩm dịch vụ nào cũng có điểm mạnh điểm yếu của nó hết tuy nhiên khi hầu hết các bạn nhân viên tư vấn sẽ tập trung vào những điểm mạnh, một số bạn có xu hướng là hỏi gì cũng sẽ nói bên chị làm được hết thì lúc này hãy vận dụng tư duy phản biện tìm ra kẽ hở, hỏi xoáy đáp xoay. Kinh nghiệm là phải đi nhiều trung tâm tự nhiên bạn sẽ có cách hỏi. Chỉ chọn trung tâm khi trung tâm có thể giải quyết được các vấn đề, câu hỏi của bạn một cách thuyết phục nhất.

3. Xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng trung tâm tư vấn du học

Mặc dù mình thân là người chuyên đi đánh giá chất lượng hệ thống rồi nhân viên nhưng xưa mình chọn trung tâm cũng hơn cảm tính. Giờ mình mới nhận ra đáng ra mình nên xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá các trung tâm. Một số tiêu chí bạn có thể xem xét để đưa vào bảng đánh giá của mình: chi phí, số năm hoạt động của trung tâm, số quốc gia hoạt động, thời hạn hợp đồng, số lượng hồ sơ, dịch vụ cung cấp là gì, số trường nước ngoài có liên kết,… Đặc biệt, nên có đánh giá công tâm của người đi trước, hoặc là bạn hỏi người tư vấn (mình nghĩ trường hợp này khó) hoặc là bạn nhờ vào kỹ năng stalk của chính mình hoặc là đăng lên hội nhóm du học hỏi.

4. Đánh giá trung tâm thông qua hồ sơ của học viên

Bạn có thể dễ dàng lấy thông tin này trên fanpage hoặc website của trung tâm. Mục tiêu là xem trung tâm đã có khoảng bao nhiêu học viên rồi, học ở những nước nào, khu vực nào. Nếu trung tâm đó trên bề mặt quảng cáo là có thể đi được nhiều quốc gia nhưng hồ sơ học viên lại tập trung ở 1 quốc gia, thì cái đó sẽ là một dấu hỏi về năng lực của trung tâm vì sẽ có rủi ro là trung tâm định hướng cho các bạn vào 1 khuôn khổ thay vì khai thác hồ sơ của bạn. Ngay cả trung tâm đó làm chuyên cho một thị trường thì hồ sơ trường của học viên cũng cần phong phú.

5. Cẩn thận với người giới thiệu của bạn

Thực tế, nếu có người quen giới thiệu một trung tâm thì ít nhiều cũng yên tâm. Nhưng mà những người giới thiệu có thể sẽ nhận được hoa hồng nếu bạn ký hợp đồng thành công. Vậy câu hỏi đặt ra là người giới thiệu một trung tâm là vì tốt cho bạn hay vì hoa hồng? Trừ khi người giới thiệu đó đã từng đi qua trung tâm, đã đi thành công và có đánh giá tích cực một cách khách quan về trung tâm, thì bạn hãy cho trung tâm đấy một điểm cộng.

6. Hãy đọc hợp đồng thật kỹ

Hợp đồng cực kỳ quan trọng, đa số mọi người hay ký mà không đọc kỹ hợp đồng (mình cũng từng thế thôi). Thông thường các hợp đồng tư vấn có những điều khoản hơi mơ hồ kiểu như trung tâm sẽ tư vấn chọn trường, tư vấn kỹ năng. Tại vì mình đi làm rồi nên sẽ có tư duy là cái sản phẩm của mỗi hoạt động đó là gì. Ví dụ tư vấn chọn trường thông qua việc cung cấp danh sách ít nhất bao nhiêu trường có kèm đánh giá  + brief ngành học, hay nếu đào tạo kỹ năng thì kỹ năng đó là gì, đào tạo qua hình thức nào, bao nhiêu buổi, làm sao biết được chất lượng đào tạo. Từ tư vấn là một từ rất mơ hồ nên nếu khi làm hợp đồng, mình càng làm rõ ý thì sau này tranh chấp cũng có cơ sở để làm việc. Ngoài ra, hãy thảo luận điều khoản hủy hợp đồng vì có rất nhiều trường hợp trung tâm làm việc không hiệu quả, đến lúc học viên hủy hợp đồng lại khó.

Thật ra, sử dụng dịch vụ nào cũng vậy thôi, mình là khách hàng thì cũng nên khó tính một chút. Trừ những bạn nhà rất dư dả tải chính thì phẩn đông trường hợp khi quyết định du học thì chúng mình ai cũng phải làm kế hoạch chi tiêu kỹ lưỡng. Khi viết hết những dòng này thì mình vẫn cảm thấy nếu như bạn có một hồ sơ học vấn với làm việc không tệ thì vẫn nên tự làm hồ sơ du học chứ để làm việc với các trung tâm du học thì cũng đau đầu ngang với việc mình tự đi. Bạn có thể outsource những dịch vụ hành chính như công chứng hay làm visa để tiết kiệm thời gian. Đương nhiên là quyết định lựa chọn là của mỗi người, dù lựa chọn nào mình cũng mong bạn đều thuận lợi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *