Table of Contents
Mình đã mua quyển sách này bằng khoảng 1/7 lương của mình ở công ty cũ. Lúc mua về thì bị ông anh cằn nhằn quá chừng vì phí tiền và nói sách vô bổ. Bất ngờ thì sau 6 năm thì mình cũng đã ngồi nghiền ngẫm quyển sách này 😀 và nghĩ là sẽ dành thời gian để đọc lại lần nữa.

Trước khi đọc quyển sách này thì phần lớn những gì mình biết về Leonardo da Vinci là thông qua những câu chuyện khá là huyền bí liên quan đến người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, sau khi đọc quyền sách do Walter Isaacson chắp bút, mình thấy một Leonardo bình dị và gần gũi đến lạ, thật ra ông cũng không quá thần thánh lắm đâu. Ông cũng có những tật xấu, cũng có những mâu thuẫn nội tâm và cũng có những điều bất mãn về thời cuộc và về những người bảo hộ của mình. Hậu thế nhìn ông sẽ hỏi làm sao một người bình thường lại có thể trợ nên uyên bác và trí óc vượt xa khỏi thời đại như thế. Và đó cũng là câu hỏi mà Walter luôn tìm kiếm khi viết sách về ông và cả về những bậc vĩ nhân như Benjamin Franklin hay Albert Einstein. Nếu có một khoảng cách nào giữa thiên tài và người bình thường thì đó là gì? Câu trả lời thì rất đơn giản, nó là trí tưởng tượng. Nếu có một lời giải đáp làm sao đạt được trí tưởng tượng như những bậc vĩ nhân thì đó chính là trí tò mò. Có thể Leonardo không hề có ý định theo đuổi mục tiêu trở nhà một thiên tài của thời kỳ Phục Hưng mà ông chỉ là một người đơn thuần theo đuổi sự tò mò của mình. Trong quyển sổ tay của mình, ông đã liệt kê rất nhiều điều thú vị, những câu hỏi tưởng chỉ là đơn thuần nhưng lại là điểm bắt đầu cho một hành trình khám phá thế giới.
- Vì sao bầu trời lại màu xanh?
- Mô tả lưỡi con chim gõ kiến
- Mô tả hàm cá sấu
- Mô tả sự hình thành của con người trong tử cung
- Dây thần kinh nào khiến cho hai mắt chuyển động cùng một lúc
- và rất nhiều câu hỏi mà những người bình thường như chúng ta lờ đi.
Ngay cả Walter Isaacson cũng có nhận định rằng những thiên tài như Leonardo hay Einstein đều bắt đầu bằng việc hỏi những câu hỏi được người thường cho là ngớ ngẩn như về màu xanh của bầu trời hay sự hình thành của đám mây. Đó không chỉ là trì tò mò mà còn là thái độ của họ đối với cuộc sống – một cuộc sống tìm thấy sự diệu kỳ trong những sự bình thường.
Những gì có thể bạn đã hoặc chưa biết về Leonardo da Vinci.
– Là một người thuộc cộng đồng LGBT
– Là một thiên tài ở nhiều lĩnh vực
– Là một người có một phong cách ăn mặc được coi là kỳ cục, ông thích những trang phục sặc sỡ, và ông từ từ thôi cố gắng hòa nhập với đám đông và thoải mái ăn mặc như một ông hoàng vui vẻ
– Nổi tiếng với những tác phẩm chưa hoàn thiện và liên tục trễ hạn giao tranh vẽ (thiên tài thì cũng trễ deadline như mình thôi :D). Trong cả cuộc đời sáng tác ông để lại cho hậu thế 15 tác phẩm được coi là hoàn thiện, nổi bật nhất là hai kiệt tác – Mona Lisa và Bữa tối cuối cùng
– Ông là một nguời dễ xao nhãng và sự xao nhãng của ông lại liên qua rất nhiều đến trí tò mò và tính cầu toàn của mình. Vì muốn vẽ được những nếp tóc uốn chân thực nhất, ông tìm hiểu những cơn gió và để hiểu gió, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu sóng nước. Đọc sách rồi mới thấy Leonardo không theo đuổi hội họa, cái ông một lòng một dạ theo đuổi chính là tri thức.
– Là một trong những người đặt nền móng cho ngành giải phẫu. Tuy nhiên, những nghiên cứu giải phẫu chuyên sâu của ông lại không được phổ biến rộng rãi và đáng ra chúng ta sẽ có một thành tựu nghiên cứu khoa học nếu như người đồng hành của ông – Giáo sư giải phẫu Marcantonio della Torre – không qua đời vào lúc công trình còn đang dang dở. Trí óc dễ xao nhãng của ông ngay sau đó lại hứng thú nghiên cứu động cơ nước nên ông lại bỏ ngang sự nghiệp nghiên cứu giải phẫu của mình.
– Một trong những lý do Leonardo không có những tác phẩm kinh điển để lại cho hậu thế vì ông chưa bao giờ hứng thú tập hợp tất cả những phát hiện của mình thành một tập tư liệu có hệ thống cả. Cả đời ông chỉ theo đuổi triết lý thực nghiệm và trải nghiệm. Những suy tư và khám phá của ông được ghi lại trong những chiếc sổ tay của mình và những sổ tay ấy cũng không được lưu truyền rộng rãi để nhiều người biết.
– Sổ tay là một trong những vật bất ly thân của Leonardo. Ban đầu chỉ là những nét vẽ phát thảo những người ông gặp, dần dần ông ghi chép những ý tưởng, ghi chú giải phẫu, lên danh sách những việc cần làm, ghi chép chi tiêu.
– Ngoài trí tò mò đến tốt cùng thì quan sát chính là kỹ năng giúp cho Thiên tài người Ý làm chủ được kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Một người phải kỹ lưỡng thế nào mới có thể mô tả được chuyển động của cánh chuồn chuồn và nơi hoàn hảo để quan sát chúng. Ông cũng đưa ra hướng dẫn làm sao để rèn luyện kĩ năng này thông qua việc bóc tách vật thể thành những chi tiết nhỏ, và chăm chú quan sát từng chi tiết một. Bản thân là một người thích quan sát các chuyển động, ông đã dày công nghiên cứu cách thể hiện chuyển động thời gian qua những bức tranh của mình, nổi bật đó là bức “Bữa tối cuối cùng”. Khi để ý kỹ bức tranh, chúng ta sẽ thấy được những chuyển động gương mặt của các môn đồ thể hiện được tuần tự nhận tin có môn đồ phản bội từ Chúa.

– So sánh tương đồng là một quan điểm Leonardo đã luôn theo đuổi trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình. Trong bản để xuất về quy hoạch thành phố, ông rất coi trọng thiết kế hệ thống xử lí nước thải vì theo ông, nước thải giống như m.á.u trong cơ thể người vậy, cần được tuần hoàn. Ngoài ra, trong ghi chú của mình, ông từng so sánh Trái Đất như một sinh vật sống vậy, những làn sóng biển lên xuống được ví như là lá phổi, những dãy núi cứng cáp thì được ví như là xương, còn mặt đất thì như những xớ thịt vậy.
– Từng có một người nói với mình rằng nhiều khi bức tranh Mona Lisa nổi tiếng chỉ vì nó từng bị đánh cắp, nhưng sau khi đọc xong quyển sách này mình mới hiểu vì sao Mona Lisa lại là một trong những tuyệt tác để đời của Leonardo. Bức tranh chính là hội tụ những kiến thức một đời của Leornardo, nụ cười của nàng Mona Lisa là kết quả của một công trình nghiên cứu giải phẩu cơ mặt của ông, và những phối cảnh vạt áo của nàng hòa với dòng suối chính là thể hiện một quan niệm sống con người hòa hợp với vũ trụ.
– Một trong những điều làm ông trăn trở nhất là những người giám hộ của mình. Hầu như thì ông chưa bao giờ hài lòng về những người giám hộ của mình cả vì đơn giản ông theo đuổi trí tò mò của mình còn họ lại theo đuổi các tác phẩm của ông và cả những thứ phù du để khẳng định địa vị của mình. Mãi sau này đến cuối đời, ông may mắn được hoàng đế người Pháp Louis XII bảo trợ và sống những tháng ngày cuối đời bình yên ở Pháp. Hoàng đế là người sẵn sàng ngồi nghe ông nói về những tri thức của mình, cũng chẳng đòi hỏi ông phải làm ra tác phẩm nào cả và có lẽ cả đời ông cũng chỉ đi tìm một người bạn tâm giao như vậy. Bởi vậy nếu bạn chưa tìm được một công ty tốt, một vị sếp tốt hay đơn giản là người yêu tốt thì có thể chưa đến lúc thôi. Đời người là hành trình tìm kiếm mà 😀
– Câu nói được coi là triết lý sống của ông là: “Một ngày có ích mang lại một giấc ngủ ngon,” “vậy nên một đời lao động chăm chỉ mang lại một cái chết yên bình.” Và quả thật, ông đã ra đi một cách nhẹ nhàng (có lẽ là trong vòng tay của vị hoàng đế trẻ tuổi).
Leonardo da Vinci – nhìn cuộc đời thiên tài để thấy chính mình
Mục đích của mình khi đọc sách về những con người đặc biệt là để tìm thấy một triết lý sống phù hợp cho cuộc sống của mình. Gập lại những trang sách viết về Leonardo da Vinci, mình vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc đời của người đàn ông ấy, cho đến tận bây giờ khi viết bài review này. Đã có nhiều lần viết rồi xóa đi xong rồi đọc lại những Có nhiều câu hỏi cũng muốn thử hỏi ông, liệu ông thấy hài lòng về cuộc đời của mình, cuộc đời ấy có thực sự là cuộc đời mà chúng ta nên noi theo hay không? Chúng ta – những người được coi là bình thường – tôn vinh Leonardo là một thiên tài vì những tri thức ông đạt được vượt xa hiểu biết của mọi người, vì những tác phẩm ông để lại cho hậu thế thể hiện tinh thần con người Phục hưng kinh điển. Chúng ta tôn vinh quá nhiều cái thứ gọi là thành tựu nhưng lại quên nhìn những mảnh ghép khác của Leonardo da Vinci. Vì đây cũng là quyển sách của một hậu thế viết lại, mình thiệt sự không biết nếu là bản thân Leonardo tự nhìn đời mình sẽ thấy thế nào? Cho dù ông cố phủ nhận thế nào thì sự thiếu vắng của người bố cũng để lại một lỗ hổng trong ông, và có lẽ chuyện mải mê khám phá cuộc sống cũng là một hành trình để ông lấp đầy khoảng trống đó.
Leonardo là một người theo đuổi tri thức nhưng tri thức chưa chắc đã làm ông cảm thấy thỏa mãn. Trong những cuốn sổ tay, bên cạnh những ghi chú về quan sát và kết quả thực nghiệm, đôi lần ông vẫn thể hiện cái nội tâm giằng xé của mình. Không ít lần ông chật vật về tính tình ẩm ương hay xao nhãng của mình, rồi đau đầu về người tài trợ rồi cả học trò (kiêm người tình) của ông. Nhất là những năm tháng độ tuổi trung niên, ông già rất nhanh và nhìn không khác gì một ông lão 70-80 tuổi vì chính những suy nghĩ trong đầu của mình. Tự bản thân Leonardo cũng tự mỉa mai về ngoại hình của mình lúc này. Thử hỏi một người nếu thực sự thỏa mãn trên hành trình của mình có thể già nhanh như vậy được không?
Cũng có thể trí tò mò của mình giúp ông chìm đắm vào một thế giới khác để né tránh đi nội tâm giành xé của mình. Phải đến tận cuối đời khi gặp được hoàng đế Louis XII, mình mới cảm thấy sự nhẹ nhõm trong lòng ông. Từ đó, ông không còn phải chạy theo những hạn vẽ tranh hay những ham muốn trần tục như các người tài trợ khác. Ông quay lại là chính mình – một con người yêu trí thức. Louis XII đã không yêu cầu ông phải làm gì cả và càng không có ý định bào mòn ông, chỉ đơn giản dành thời gian chất lượng để nghe ông chia sẻ về những hiểu biết của mình và luôn sẵn sàng ủng hộ cho những ý tưởng của thiên tài người Ý. Trí tuệ không chắc làm Leonardo thỏa mãn nhưng nó đã dẫn dắt ông đến những năm tháng cuối đời bình yên. Liệu Leonardo có thấy cuộc đời mình đáng sống không chắc sẽ không có ai trả lời được vì người đàn ông ấy không còn nhưng câu nói của ông “một đời lao động chăm chỉ mang lại một cái chết yên bình” ít nhiều cho chúng ta thấy được góc nhìn của ông về chính đời mình. Và sự bình yên ấy sẽ không bao giờ đến nếu ông không gặp được người tri kỷ cuối đời. Sau cùng đời người có 2 nhu cầu lớn, được khám phá và được thấu hiểu. Thiếu hai điều kiện ấy có lẽ chúng ta sẽ sống một đời nhạt nhẽo nhỉ.
Trên đây là những điều mình rút ra quyển sách về Leonardo, recommend dành cho những ai yêu thích nghệ thuật châu Âu hay tò mò làm sao thiên tài trở thành thiên tài. Mỗi tội đọc sách tiểu sử cần phải từ từ chầm chậm thì mới hiểu sâu về con người đó được.
Have a nice time with this book nhớ
Moonie