Table of Contents

Hôm nay tính ra cũng tròn 1 năm 1 ngày mình trở lại Việt Nam sau 2 năm du học ở Bỉ. Đôi khi nhìn lại mình vẫn thấy Bỉ là một giấc mơ đôi lúc có kỷ niệm đẹp nhưng phần nhiều toàn là nước mắt, lo âu và hoảng loạn. Đương nhiên, mình đã học được rất nhiều thứ ở đó, cũng có rất nhiều trải nghiệm được gặp nhiều bạn, đi nhiều nơi, nhưng cái giá để đánh đổi thì hơi cao :D.
Nếu được hỏi có đi du học lại/ đi tiếp nữa không thì câu trả lời của mình vẫn là có nhưng với một sự chuẩn bị khác để việc du học được nhẹ nhàng và vui vẻ nhất. Đương nhiên khi bước ra một đất nước khác, ai cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng mình đang nói đến những con đường mà nó đừng quá chật vật.
Một châm ngôn để có một cuộc đời du học nhẹ nhàng là không bao giờ tự làm khó chính mình và sẽ không có một phương án nào là hoàn hảo hết, cho nên phải biết rõ mình cần gì, có thể buông gì. Mình nhẹ nhàng với bản thân trước thì cái gì đến với mình cũng sẽ nhẹ nhàng hết nè.
1. Vì sao bạn muốn đi du học?
Một hành trình dài bắt đầu từ một ý định và hãy chắc chắn đó là một ý định đúng.
Bạn có chắc rằng mình thực sự muốn/ cần đi du học hay không?
Đừng đi du học vì người khác cũng thế, cũng đừng đi du học vì công việc quá stress hay cuộc sống ở Việt Nam quá chán. Đừng nói với mình là bạn đi du học vì muốn mở mang kiến thức, đây chỉ là bề nổi thôi nè, hãy nhìn sâu vào chính mình để tự hỏi về lý do bạn muốn đi sang một đất nước khác, nó thật sự có phải là một cuộc chạy trốn bản thân hay không. Nếu đúng là vậy thì mình thành tâm khuyên bạn hãy chậm lại một chút. Bài học đắt giá của mình khi đi du học học đó là:
” Đối diện bản thân ở Việt Nam còn dễ chứ qua bên nước ngoài là nhân nhiều lần sự khó khăn.“
Dù muốn thừa nhận hay không thì khi bạn muốn đi du học thì sẽ có một phần trong bạn không muốn đi chút nào cả, đừng lờ đi tiếng nói không đó. Hãy nhìn sâu vào tiếng nói không để hiểu và lắng nghe những lo lắng của chính mình, rồi tìm xem có những cách giải quyết nào hay không. Lúc này chỉ có một mình bạn biết và hiểu được có nhất thiết phải đi du học hay không.
Vì sao mình phải nhắc nhở mọi người xác định rõ ý muốn trong lòng mình? Vì càng thẳng thắn nhìn nhận nội tâm của mình thì càng dễ đi. Mình đã thấy nhiều cuộc đời đến Bỉ vì muốn chạy khỏi Việt Nam, cho dù họ có đạt được những gì mong muốn cũng không có sự an yên trong lòng, vì từ đầu chuyện đi du học đơn giản là né tránh chính mình và những câu chuyện bất như ý ở Việt Nam. Mình từng nói đến điều này trong một bài viết về Teal Swan, bạn có thể đọc để hiểu thêm về những trận chiến bên trong mỗi người.
Những người có ảnh hưởng nhiều đến mình (phần 1 – Teal Swan)
2. Hãy rõ ràng nguyện vọng của mình
Ngày trước mình đi du học cũng mù mờ lắm nên mình đi tìm thông tin cái cũng mù mờ. Vì vậy, đừng mơ hồ, mình phải rõ ràng bản thân đang ở đâu, mình đang có gì, mình muốn gì. Xét về khi cạnh du học thì đây là những câu hỏi bạn nên rõ ràng ngày từ thời điểm mình bắt đầu.
- Học lực của bạn thế nào?
- Trình độ ngoại ngữ bao nhiêu? (Bằng cấp chỉ có thể phản ảnh một phần năng lượng ngoại ngữ của mình thôi, để biết được mình học giỏi thế nào thì lấy 1 video/ đoạn phim tiếng anh ra bạn nghe hiểu bao nhiêu, được thì thử nghe 1 bài các giáo sư nước ngoài nói thì bạn có hiểu được không, viết một đoạn văn thì viết có trơn tru hay không, mở một bài báo nghiên cứu đọc thế thế nào? Đó là những thứ thực tế đánh giá được trình độ ngoại ngữ nhé)
- Budget của bạn là bao nhiêu? Có sự hỗ trợ từ gia đình hay không? Bạn muốn apply học bổng hay tự túc
- Bạn có phải là một người đam mê học hành không? Nếu không thì đừng chọn research school
- Có quan tâm đến top ranking của trường hay không?
- Chương trình học bạn quan tâm là gì? Trước đây mình từng nghĩ đi được là tốt chương trình không quan trọng đâu vì cầm cái bằng thì làm việc gì chả được, nhưng không hề nhà cái ngành mình học nó chung chung lắm, cảm giác học cái gì cũng biết những ko có cái gì chuyên sâu. Bạn có thể đọc thêm bài viết review về chương trình International Business của VUB nhé
Review quá trình học tập tại trường VUB (Vrje Universiteit Brussel – Bỉ)
- Nghiêm túc nhé, mục tiêu chính bạn học là gì? Đi trải nghiệm, đi học thiệt sự, nâng cao bằng cấp,…
- Bạn muốn học chương trình kéo dài bao nhiêu năm?
3. Lên kế hoạch du học càng sớm càng tốt
Đến đây thì mình tin rằng bạn đã tỏ tường lòng mình và bắt tay vào hành trình chuẩn bị đi du học. Có 2 thứ luôn làm du học sinh đau đầu, thứ nhất là hồ sơ giấy tờ, thứ hai là tiền bạc. Mình sẽ đề cập chuyện tiền bạc ở mục sau, còn giờ thì tập trung vào chuyện hồ sơ giấy tờ nhé.
Chuẩn bị du học là một dự án cá nhân và một trong nguyên tắc mình cần nhớ khi chuẩn bị dự án là gì? 3 trụ cột quản lý dự án chính là Chi phí, Quy mô và Thời gian. Hãy thực tế nhìn nhận xem bạn có gì, thiếu gì. Nếu thiếu tiền, thiếu nguồn lực thì phải giãn thời gian. Có nhiều tiền, ít thời gian thì phải xem có gì có thể outsource, nhờ hỗ trợ được thì làm. Còn vừa ít chi phí, muốn làm nhanh mà còn không biết tìm nguồn hỗ trợ thì dễ căng thẳng lắm nè.

Điều quan trọng tiếp theo để có một quy trình hồ sơ trơn tru, nhẹ nhàng là mình phải có đầy đủ kiến thức thể nào là một bộ hồ sợ hoàn chỉnh. Bạn có thể chọn đi qua trung tâm tư vấn hoặc là tự đi, và dù chọn hình thức nào cũng nên dành thời gian nghiên cứu, hỏi han người đi trước (hãy hỏi nhiều nhất có thể để có những point of view khác nhau trong quá trình du học). Mình từng có bài viết về cách làm việc với trung tâm tư vấn du học để các bạn tham khảo.
Kinh nghiệm làm việc với trung tâm tư vấn du học
Hồi xưa mình đi du học chuẩn bị chưa đến một năm và bị phụ thuộc vào trung tâm tư vấn, sau này mình nói chuyện với chị gái chuẩn bị đi du học cả 5 năm lận. Chị mình có một file chọn list các trường chị ấy, có những cột là tiêu chí chọn trường của chị, status từng trường là gì, yêu cầu từng trường, deadline là bao nhiêu.
Quá trình làm hồ sơ của chị ấy cũng nhẹ nhàng, lúc đi học thì tập trung học, lúc đi làm thì tập trung thăng tiến, có những lúc vừa làm vừa học thêm chứng chỉ, lúc gần nộp hồ sơ thì đi thi. Ban đầu chị ấy tính thi GMAT nhưng sau thấy khả năng mình chưa đủ và không muốn đầu tư quá nhiều thời gian thì liền tự chọn những trường không cần GMAT. Bài học chính là biết rõ mình cần làm gì, khi nào mình cần làm, và lên plan càng sớm càng tốt.
Cá nhân thì mình vẫn thấy chuẩn bị du học trong 1-2 năm là hơi ít, vì khi bạn chuẩn bị hồ sơ không phải đơn giản là nộp các giấy tờ trường yêu cầu là xong, bạn mang theo cả những kinh nghiệm, niềm tin, con người, tính cách và rất nhiều thứ mang theo bên mình. Nếu được hãy xác định đi du học từ sớm để khi còn đi học mình còn để ý một chút đến quá trình rèn luyện bản thân.

4. Chuẩn bị tài chính du học
Hầu hết các vấn đề trong cuộc sống xuất hiện khi chúng ta thiếu tiền. Nhất là khi ra nước ngoài, chi phí tính bằng ngoại tệ cao hơn Việt Nam rất nhiều. Hồi ở Bỉ mình cũng stress nhất là chuyện tình nong thôi, trước khi đi mình nghĩ đơn giản là đến đâu lo tiền đến đó. Nhưng không hề nha, mình qua Bỉ xong đi làm nhà hàng để trang trải thêm chi phí, nhưng lo làm đủ tiền thì ảnh hưởng chuyện học. Xong có đợt mình vừa đi làm, vừa đi thực tập, vừa đi học cái một hồi mình bị burnout liền.
Thật ra mình không ngăn cản mọi người đi làm đâu nhưng từ đầu mình nói đó, muốn đời sống nhẹ nhàng thì không nên tự làm khó chính mình. Người chị mình đề cập đã lên một kế hoạch tài chính chuẩn bị du học gồm nguồn tiền chị ấy tích lũy và kế hoạch chi tiêu khi sang nước ngoài. Có rất nhiều cách để bạn lo tài chính đi học:
- Tự kiếm tiền rồi tiết kiệm
- Xin học bổng
- Hỗ trợ từ gia đình
- Vừa học vừa làm
- Đi vay
- Đi tìm người sponsor ở nước ngoài
Không có cách nào đúng cũng không có cách nào sai, tuy nhiên cách nào sẽ nhẹ nhàng cho bạn nhất. Nếu như được chọn lại thì mình sẽ dành thời gian nhiều hơn để apply học bổng hoặc là dời kế hoạch du học sang vài năm khi mà bản thân cũng đủ trưởng thành để nhìn rõ mình, hiểu rõ hoàn cảnh và có khả năng đưa ra quyết định chuẩn xác hơn.
Nếu bạn có nhờ ba mẹ hỗ trợ tài chính như mình đã từng thì cũng đừng cảm thấy nặng nề, hãy luôn nhớ về mục tiêu mà bạn luôn đặt ra khi đi du học. Sự hỗ trợ của gia đình chính là một bàn đạp để bạn phát triển và đạt được mục tiêu của chính mình. Thay vì cảm thấy nặng nề hãy lấy đó là động lực để ngắm nhìn thế giới với một lòng biết ơn.
5. Rèn luyện thể dục và nuôi dưỡng tâm hồn trước khi đi du học
Ngày đó mình lười vận động lắm, đi làm văn phòng mười mấy tiếng về là nằm ra lướt web. Chưa kể là tinh thần stress công việc, đếm từng ngày nghỉ việc để đi du học. Giờ nhìn lại là không khác gì mình nhảy từ hố bom nay sang hố bom khác.
Mình không nói bạn có sức khỏe rồi có tinh thần thì du học sẽ thành công vang dội, nhưng ít nhất đó là nền tảng để bạn có một thân thể khỏe mạnh để sống, để học, để trải nghiệm, để có thể nhìn nhận thế giới này dưới một lăng kính của sự vui vẻ, thoải mái. Để mỗi lần cuộc sống ở nước ngoài có lúc khó khăn mình còn có thể đứng dậy và đi tiếp một cách bình an, thảnh thơi.
6. Hãy học ngoại ngữ thật là tốt nhé
Mình đi du học chương trình tiếng Anh ở một đất nước nói tiếng Pháp và Hà Lan. Thiệt tình mình vẫn khuyên mọi người đi nước nào thì học tiếng nước đó để cảm thấy hòa hợp với môi trường, nhất là nếu bạn xác định ở lại tìm việc sau khi tốt nghiệp nữa.
Đầu tiên nói về Tiếng Anh, trước đây mình từng có suy nghĩ rằng bản thân không cần học thêm nữa. Cho đến khi mình nhìn thấy bài viết báo của những giáo sư người Bỉ, chợt nhận ra ngôn từ của họ còn tiệm cận với người bản địa. Trong khi phát âm mình cũng chưa hay, đọc paper không được suôn sẻ thì có cớ gì mà không dành thêm nhiều thời gian để hoàn thiện bản thân.
Một điều nuối tiếc của mình là không thể học tiếng Pháp một các chỉnh chu ngày còn bên Bỉ vì tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng một cách rộng rãi. Thiệt tình thì không biết tiếng Pháp sẽ gây chút phiền toái liên quan về mặt giấy tờ các thứ. Lưu ý để có thể nói sành sỏi một thứ tiếng thì cần khoảng tầm 2 năm học hành kiên trì bển bỉ. Vì vậy, nếu có thể, hãy lên kế hoạch học hỏi thêm ngôn ngữ mà quốc gia bạn đi sử dụng.
Đi du học không chỉ là đi học những kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội để bạn trau dồi ngôn ngữ của chính mình, để nhận thấy nét đẹp của ngôn ngữ. Mình sẽ có bài viết riêng về chủ đề học ngôn ngữ này.
Kết luận
Mình tin mỗi du học sinh mang một câu chuyện và một con đường khác nhau hướng đến những mục tiêu khác nhau. Dù có khác nhau thế nào thì ngay từ đầu khi ai đó đặt mục tiêu đi du học đã là một sự dũng cảm. Chúc cho các bạn sẽ đặt chân lên được mảnh đất mình ước mơ.